Đây là những định hướng điều hành chủ đạo sẽ được Chính phủ và các địa phương triển khai trong năm 2012. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những ngày đầu của năm 2012, các bộ, ngành TW và các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc nhằm hoàn thành những chỉ tiêu phát triển KT-XH đã được Quốc hội giao, đảm bảo tốt an sinh xã hội.
Ứng phó với thách thức
Có thể nói, những bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm 2011 như: lạm phát tăng cao, chênh lệch cán cân thương mại còn ở mức cao, đầu tư công còn dàn trải… đã khiến công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, tập trung kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP. Sự đồng thuận cao của toàn Đảng, toàn dân, kinh tế Việt Nam đã giữ vững được những chỉ tiêu kinh tế cơ bản, tạo tiền đề quan trọng để khôi phục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Nhìn lại cả năm 2011, gánh nặng chống lạm phát dồn lên vai chính sách tiền tệ. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10% trong cả năm (chỉ tiêu là khoảng 15 - 16%); tổng dư nợ tín dụng tăng 12% (chỉ tiêu là dưới 20%). Tính đến cuối năm 2011, dư nợ công khoảng 54,6% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 43,6% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP. Những con số này nằm trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia. Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 33% so với năm 2010, cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%); tỷ lệ nhập siêu bằng khoảng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu (không quá 18%), tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 106 tỷ USD, tăng khoảng 25% (kế hoạch là 10,4%). CPI tháng 12/2011 tăng khoảng 18% so với tháng 12/2010... Những thành tích trên đã góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2011 đạt khoảng 5,9.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Chính phủ mở rộng diễn ra tại Hà Nội ngày 24/12/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với thách thức lớn trong năm 2012. Khó khăn rất lớn, không thể chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được của năm 2011. “Giữ được mức tăng trưởng 5,9% năm 2011 là có phần do kích cầu chống suy giảm từ 2010, vốn đưa ra khi đó rất mạnh. Không thể nhìn vào con số này nói mục tiêu năm 2012 tăng 6% là đơn giản” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo.
Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế thế giới năm 2012 tăng trưởng thấp hơn năm 2011, châu Âu tiếp tục khó khăn trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam... Cùng với đó là những nguy cơ đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia, thiên tai, dịch bệnh... làm cho tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, đầu tư trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn vốn lại hạn hẹp. Trước những thách thức này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm 2012 phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ; theo dõi sát, kịp thời cập nhật tình hình để có phản ứng chính sách thích hợp trên tinh thần phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất khó khăn, thách thức. Thủ tướng nêu rõ bài học kinh nghiệm nhờ có ổn định chính trị xã hội mà Việt Nam đã thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài, cộng đồng quốc tế tiếp tục tài trợ vốn ODA, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế... Những khó khăn được người đứng đầu Chính phủ lường trước có cả vấn đề đầu tư công khi sẽ chỉ có 180.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Số tiền này, theo tính toán, chỉ đủ cấp cho một nửa so với nhu cầu của những dự án đang triển khai.
Năm 2012, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực giảm bội chi NSNN xuống còn 4,8% GDP. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương nỗ lực kiểm soát tỷ lệ nhập siêu ở mức khoảng 10%, coi đây là một chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường công tác quản lý giá, bảo đảm cung cầu các hàng hóa thiết yếu, tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, gây "sốt" giá.
Câu chuyện về niềm tin
Một câu hỏi nhiều người quan tâm, trong 5 năm tới, tăng trưởng tín dụng các ngân hàng mới chỉ khoảng 10 - 15%, và bao giờ mới tăng gấp đôi tổng tài sản để có ngân hàng lớn, ngân hàng tầm cỡ khu vực? Muốn tăng quy mô, tăng khả năng cạnh tranh nhanh chóng chỉ còn cách là mua bán, sáp nhập. Ðiều mấu chốt cần xác định, nội lực sẽ là chính, và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy vừa giảm thiểu được ngân hàng, tổ chức yếu kém, vừa đúng với tinh thần "lá lành đùm lá rách”. Về cái khó trong liên kết ngân hàng, hay nói cách khác là làm sao để các nhà băng khỏe "tự nguyện" cõng nhà băng yếu. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định dù khó cũng sẽ tìm ra cơ chế phù hợp. Lộ trình 5 năm tới NHNN đưa ra, từ nay tới quý III/2012 sẽ dứt điểm xử lý các ngân hàng yếu kém, tránh ảnh hưởng tới cả hệ thống, theo phương châm không để đổ vỡ, phá sản bất cứ TCTD nào và bảo đảm quyền lợi người gửi tiền. Năm 2013, tiếp tục hợp nhất, sáp nhập nhưng không phải xử lý các TCTD yếu kém mà các ngân hàng tự nguyện hợp nhất lại với nhau để tăng quy mô, tăng khả năng tồn tại, cạnh tranh. Kể từ năm 2014 - 2015, xây dựng được ít nhất 1 - 2 ngân hàng có tầm cỡ khu vực Ðông Nam Á, gấp đôi quy mô của ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay...
Nhờ ổn định chính trị xã hội, Việt Nam đã thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, được cộng đồng quốc tế tăng cường tài trợ vốn ODA với mức 7 - 8 tỷ USD mỗi năm. |
Trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc khu vực DNNN được xác định là khó khăn nhất cho dù đó là DN ngân hàng hay phi ngân hàng. Bởi, việc nhận thức đầy đủ và thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị đối với tái cấu trúc nền kinh tế không phải dễ dàng. Giải pháp được Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ đưa ra, nhiệm vụ tái cấu trúc DNNN phải quán triệt các quan điểm chính. Thứ nhất, chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết trong đó có công cụ quan trọng là DNNN. Thứ hai, quá trình tái cấu trúc phải quán triệt thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN. Thứ ba, tái cấu trúc DNNN phải thực hiện trên cả phương diện vĩ mô và vi mô. Thứ tư, thực hiện tái cấu trúc DNNN trên năm phương diện chủ yếu là ngành nghề, tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật. Ðồng thời, thực hiện tái cấu trúc theo thực thể. Thứ năm, đổi mới triệt để hệ thống nông, lâm trường quốc doanh. Thứ sáu, kiên định mục tiêu mềm dẻo trong hình thức và phương thức tổ chức thực hiện, không tuyệt đối hóa, duy ý chí, không sử dụng mệnh lệnh hành chính trong quá trình tái cấu trúc trong bán, giải thể, sáp nhập, phá sản và thành lập mới DNNN.
Ðề cập vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải hành động quyết liệt, thiết thực, trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công với mục tiêu: giảm tỷ lệ đầu tư công hợp lý trong tổng đầu tư toàn xã hội để ổn định kinh tế vĩ mô trước mắt cũng như lâu dài; nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư công. Tập trung ưu tiên vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách về kinh tế-xã hội đã hoàn thành mà chưa giải ngân cho nhà đầu tư, hoặc các công trình sẽ hoàn thành trong năm 2012. Rà soát, kiểm soát, giám sát chất lượng các công trình, dự án. Chính phủ cũng đang tích cực chỉ đạo khẩn trương triển khai tái cơ cấu DNNN, hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm chăm lo công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng các lĩnh vực y tế, giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyết liệt giảm 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông, giảm tỷ lệ tội phạm...
Với sự đồng thuận của các bộ, ngành địa phương và những kết quả kinh tế khả quan mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 20 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam sẽ có một nền tảng quan trọng để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm tới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Việt Nam thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH và từng bước khôi phục đà tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo.
Các DN cần hiểu và chia sẻ với đất nước trong giai đoạn này
10 năm qua, tăng trưởng tín dụng (TTTD) trung bình 29%/năm, có năm lên tới hơn 33%. Năm 2011, mức này giảm xuống còn 12% thì ít nhất khoảng 10% DN không thể tiếp cận vốn ngân hàng cũng là điều dễ hiểu. Theo tính toán, nếu NHNN thực hiện đúng mức TTTD 20% theo Nghị quyết 11/NQ-CP thì CPI lên tới 23-25%. Chính sách này có mặt tích cực nhưng có hệ lụy làm các DN khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Các DN cần hiểu và phải chia sẻ với đất nước trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN thông qua các công cụ khác. Ðầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ cho một số đối tượng DN để giảm bớt khó khăn, áp lực vay nợ của DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
(Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
Các DN cần hiểu và chia sẻ với đất nước trong giai đoạn này
10 năm qua, tăng trưởng tín dụng (TTTD) trung bình 29%/năm, có năm lên tới hơn 33%. Năm 2011, mức này giảm xuống còn 12% thì ít nhất khoảng 10% DN không thể tiếp cận vốn ngân hàng cũng là điều dễ hiểu. Theo tính toán, nếu NHNN thực hiện đúng mức TTTD 20% theo Nghị quyết 11/NQ-CP thì CPI lên tới 23-25%. Chính sách này có mặt tích cực nhưng có hệ lụy làm các DN khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Các DN cần hiểu và phải chia sẻ với đất nước trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN thông qua các công cụ khác. Ðầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ cho một số đối tượng DN để giảm bớt khó khăn, áp lực vay nợ của DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
(Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình)
|
Quốc Lượng