Vật liệu xây không nung gặp rất nhiều trở ngại trên con đường xâm nhập vào đời sống xây dựng do thiếu một cơ chế chính sách đồng bộ.
Thị trường chính: DN chờ đợi!
Nếu coi mảng vật liệu xây không nung (VLXKN) là thị trường chính của mảng VLXD không nung thì quả thực, việc tạo thị trường cho nó phát triển cũng quan trọng không kém việc kiến tạo một nền công nghiệp sản xuất VLKN.
Một thực tế buồn không thể phủ nhận là thời gian qua, VLXKN gặp rất nhiều trở ngại trên con đường xâm nhập vào đời sống xây dựng. Hiện có tới 7 nhà máy đang tồn tại trong tình trạng sản xuất cầm chừng, 1 nhà máy phải dừng hẳn sản xuất. Ấy vậy vẫn có tới 15 nhà máy đã đầu tư, đang chuẩn bị khánh thành và khoảng gần 20 nhà máy nữa đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng. Theo ông Vũ Minh Sơn - Giám đốc Cty CP Bê tông khí chưng áp Việt Nam, nhà máy nào hoạt động tốt nhất thì cũng chỉ phát huy được 50% công suất!
Điểm lại một thực tế trên để thấy muốn vươn lên làm giàu bằng một mảng sản phẩm mới này cũng là điều hết sức nhọc nhằn. Theo ông Phạm Văn Bắc - Phó vụ trưởng Vụ VLXD, định hướng đến 2020 VLKN chiếm khoảng 30 - 40% vật liệu xây. Con số thoạt nghe tưởng chừng khiêm tốn, nhưng rõ ràng trên nền tảng cơ chế chính sách hiện hành và thực tế đời sống xây dựng, chặng đường để đạt được mục tiêu “khiêm tốn” đó cũng không hề dễ dàng. Một khi công suất chưa được phát huy, hành lang pháp lý dẫn đường còn thiếu đồng bộ, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật còn đang trong quá trình xây dựng nên các công trình sử dụng vốn nhà nước không dám sử dụng bởi không thể thanh quyết toán được…
Tất cả những điều đó dẫn tới một thực hậu quả chắc chắn là DN chưa thể làm giàu từ VLXKN dù nền tảng sản xuất đã được chuẩn bị sẵn sàng. Họ chủ yếu tìm cách bán cho các công trình sử dụng vốn của các thành phần kinh tế khác nên rất vất vả. Tuy doanh số bán hàng có nhích lên nhưng không nhiều, bởi người dân không tránh khỏi tâm lý nghi hoặc rằng công trình nhà nước không dám dùng, sao họ có thể đem nhà của mình ra “thí nghiệm” được.
“Thị trường” ngách sống khỏe
Tuy nhiên, trong số các DN đã đầu tư sản xuất VLKN, vẫn có DN tìm kiếm được lợi nhuận khá lớn và khá bền vững, chỉ có điều họ chỉ có thể làm được điều đó tại “thị trường ngách”! Đó là những sản phẩm như gạch lát nền, lát vỉa hè, các sản phẩm trang trí sân vườn… Nói như Chủ tịch Hiệp hội VLXD - ông Trần Văn Huynh thì: “Thế giới VLKN vô cùng phong phú đa dạng, và kinh nghiệm thế giới cho thấy có rất nhiều, rất nhiều các dòng sản phẩm từ công nghệ không nung có thể mang lại giá trị gia tăng cao và DN có thể kiếm lời bền vững từ đó”.
Một trong những DN tiêu biểu đi tiên phong trong sản xuất VLKN trang trí nội ngoại thất là Cty Secoin. Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT không che giấu sự thật rằng, trong khi rất vất vả để có thể đưa được gạch cốt liệu xi măng cũng của Cty vào công trình xây dựng thì các sản phẩm nội, ngoại thất cũng sử dụng công nghệ không nung lại tiêu thụ khá tốt. Đó là gạch sân vườn, terarazo, gạch thoát nước mưa, gạch lát vỉa hè. Riêng sản phẩm gạch bông, Secoin vừa tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy thứ hai có công suất lớn tại TP.HCM bởi sản phẩm hiện tiêu thụ khá tốt trên nhiều thị trường quốc tế.
Điểm qua một số anh hào, tên tuổi lẫy lừng cũng đang kiếm lời từ gạch bông còn có thể kể đến Đồng Tâm của ông Võ Quốc Thắng, ngoài ra còn không ít DN đang sản xuất ngói màu cũng chủ yếu phục vụ mục tiêu xuất khẩu… Điều đó cho thấy thị trường ngách rõ ràng đang sống khỏe hơn thị trường chính là vật liệu xây, bởi những mảng miếng “ra tiền” của dòng VLKN hiện nay chủ yếu là sản phẩm gạch trang trí với sản lượng tiêu thụ trong xã hội không thực sự cao. Những sản phẩm này cũng không phổ biến sâu rộng đến thị trường gạch ốp lát, trang trí nội ngoại thất ngay trên chính thị trường trong nước.
Khoảng cách vươn tới… lợi nhuận
Sản lượng VLKN mới chỉ chiếm 8 - 8,5% tổng số vật liệu xây lên đến 31 - 33 tỷ viên. Rõ ràng đó là một chỉ số quá khiêm tốn dù rằng từ cách đây gần chục năm về trước, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng to lớn từ thị trường VLKN. Rõ ràng, từ việc “nhìn thấy” tới việc “thu lợi nhuận về” là một khoảng cách quá lớn.
Nỗi niềm của các DN sản xuất VLXKN là, tiền của một đống đổ ra, lại canh cánh nỗi lo thất thu, lãi suất, và thậm chí là phá sản. Đau hơn nữa, sản phẩm mà họ đang hướng tới lại được mệnh danh là dòng sản phẩm xanh - vật liệu xây của tương lai - với các ưu điểm như cách âm, cách nhiệt tốt, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đất sét cho quốc gia, tận dụng được phế thải của ngành công nghiệp nhiệt điện, thân thiện với môi trường…
Quả thực, việc để lãng phí tiềm năng phát triển của “thị trường chính” với các nguồn lực về sản xuất và tiêu thụ đang mở ra là điều trăm ngàn lần đáng tiếc.
Vụ trưởng Vụ VLXD Lê Văn Tới cũng đồng tình rằng việc tạo cơ chế đồng bộ cho VLXKN cần phải đẩy nhanh hơn vì những mục tiêu xã hội hết sức tốt đẹp. Ông Tới cho hay, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã chỉ đạo rất cương quyết các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu, hướng dẫn thi công bằng vật liệu AAC và bê tông bọt. Vừa qua việc bổ sung rà soát Bộ tiêu chuẩn sản phẩm để chuyển sang Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) thông qua cũng đã có kết quả… |
Anh Thư