Để xử lý chống thấm hiệu quả, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất và đem ứng dụng trong xây dựng rất nhiều loại vật liệu chống thấm tối ưu, chính vì thế, mà vật liệu chống thấm trên thị trường hiện nay rất phong phú, đa dạng.
Dạo quanh thị trường vật liệu chống thấm, có thể thấy nhiều sản phẩm được đưa ra giới thiệu với hàng trăm thương hiệu xuất xứ từ Anh, Pháp, Mỹ… và các nước trong khu vực. Tuy nhiên không phải vật liệu nào cũng phù hợp với tất cả các công trình, đặc biệt là với khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam. Thị trường hiện đang quen dùng với những sản phẩm như vữa xi măng latex với tính năng kết nối và chống thấm tuyệt hảo đã được sử dụng thành công trong chống thấm ngầm; chất chống thấm dạng dung dịch silicat phun thẳng vào bê tông hình thành một lớp bề mặt chống thấm ngay trong mao mạch rỗng hay chống thấm ngược bằng Penetron để tạo mạng tinh thể bổ sung trong bê tông giúp hàn gắn bít kín các mao dẫn, các đường nứt giãn nở trong kết cấu bê tông... Sơn chống thấm các loại như: Dulux weathershield, Kova, InsuMax, Mykolor Super Solvent Primer, Mykolor Glossy Topp… Bên cạnh đó, sự xuất hiện sản phẩm lớp màng chống thấm gốc xi măng 1 thành phần của Cty Wacker Polymer đã mang lại sự đa dạng cho vật liệu chống thấm.
Theo tiêu chuẩn Singapore, hệ chống thấm được chia làm ba loại: Màng hình thành trước; màng ứng dụng lỏng; các hệ thống tích hợp. Trong đó, màng ứng dụng lỏng gồm hệ bi tum và không có bi tum. Hệ không có bi tum gồm Acrylic, nhựa phản ứng và gốc xi măng. Loại màng chống thấm gốc xi măng là lớp màng chống thấm tiêu chuẩn hay còn gọi là màng cứng gồm vữa khô gốc xi măng biến tính với bột phân tá VINNAPAS và màng chống thấm gốc xi măng linh động. Trong đó, các hệ 2 thành phần là vữa khô gốc xi măng được trộn với VINNAPAS phân tán; thành phần nhão (chất phân tán, chất độn, chất pha) được trộn với xi măng pooc-lăng thông dụng.
Trong nghiên cứu khả năng chống thấm của các vật liệu hoàn thiện trong các công trình thì chất lượng chống thấm kém trong điều kiện hiện hữu khi nguồn rò rỉ có nguyên nhân 38% đến từ xây dựng, 37% do thiết kế và 25% đến từ các vật liệu. Đến 80% sự phá hủy hệ chống thấm có liên quan đến chất lượng vật liệu. Đặc biệt, nước dạng lỏng hay hơi đều làm hủy hoại bê tông và vữa. Ưu điểm của chống thấm là chấm dứt sự xâm nhập của các chất xâm lấn như muối và axit được vận chuyển bởi nước; cần thiết để bảo vệ toàn vẹn chức năng và độ hữu dụng của cấu trúc; kiểm soát nước ngầm, nước mưa và nước bề mặt trong phòng tắm, nhà vệ sinh, hồ bơi, bề mặt ngoài của tòa nhà; bảo vệ chống lại khí cacbonic, cloride, sulphate, độ ẩm…
Theo bà Veronica Wang - đại diện Tập đoàn Wacker Polymer chi nhánh Singapore thì: Mỗi hạng mục công trình có những vật liệu và cách thi công khác nhau, nếu ứng dụng đúng, chuẩn mực thì việc chống thấm sẽ bền vững theo tuổi thọ của công trình. Khác với vật liệu màng chống thấm gốc xi măng 2 thành phần, màng chống thấm gốc Acrylic hiện có trên thị trường, sản phẩm màng chống thấm gốc xi măng 1 thành phần Wacker Polymer đạt yêu cầu và tiêu chuẩn bám dính tốt đối với tất cả các loại chất nền và bám dính tốt ngay cả dưới tác động thường xuyên của nước; độ linh động cao với khả năng phá bọt của vữa và đặc tính nối các nứt gãy (hệ linh động); độ thẩm thấu hơi nước tuyệt đối; hấp thụ nước thấp; các đặc tính hàn gắn tốt, chống nước dưới áp lực thuỷ tĩnh. Ngoài ra, khả năng chống thấm của vật liệu được kiểm tra trên nền có bề mặt xốp; kết gắn vết nứt EN 14891-2007 và phương pháp nội bộ Wacker. Theo tiêu chuẩn VINAPASS, lớp màng chống thấm 1 thành phần gốc xi măng với bột polyme bên trong bám dính xuất sắc cho nền xi măng ở các điều kiện lưu kho khác nhau; khả năng nối độ rộng vết nứt đến 2.0 mm; khả năng chống thấm xuất sắc để chịu được áp suất nước cao (1.5 bar); thấm hơi nước tốt (Sd giá trị thấp hơn 0.5 m); khả năng thi công tốt, tăng khả năng chống chịu thời tiết… bảo đảm cho công trình có một hệ thống chống thấm tuyệt đối, bền vững với thời gian.
Việc sử dụng vật liệu chống thấm nào cho phù hợp với loại công trình, với giải pháp công nghệ chống thấm nào để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và đảm bảo tính bền vững lâu dài cho công trình là điều cần quan tâm của các nhà kiến trúc, thiết kế, tư vấn, xây dựng. Tùy theo yêu cầu về chống thấm cũng như dạng chống thấm cùng cấp độ thấm mà lựa chọn các giải pháp công nghệ và vật liệu phù hợp.
Linh Anh